Từ 01/7/2025, thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh được quy định ra sao? Ai có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm? Thẩm quyền giám đốc thẩm được quy định như thế nào?
Hãy cùng Luật Trường Minh Ngọc tìm hiểu về vấn đề này như sau:
Từ 01/7/2025, thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh được quy định ra sao?
Căn cứ Khoản 4 Điều 1 Luật số 85/2025/QH15 ngày 25/6/2025 sửa đổi, bổ sung Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh như sau:
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực nhưng bị kháng nghị theo quy định.
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Như vậy, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự từ ngày 01/7/2025.
Ai có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm?
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Khoản 13 Điều 1 Luật số 85/2025/QH15 ngày 25/6/2025 sửa đổi, bổ sung Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự, bao gồm:
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Thẩm quyền giám đốc thẩm được quy định như thế nào?
Tại Khoản 15 Điều 1 Luật số 85/2025/QH15 ngày 25/6/2025 sửa đổi, bổ sung Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự về thẩm quyền giám đốc thẩm, cụ thể:
- Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị (Khoản 1 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự)
- Theo Khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị như sau:
+ Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (điểm a Khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự);
+ Toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án (điểm b Khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự).
- Những vụ án có tính chất phức tạp quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự là những vụ án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Quy định của pháp luật về những vấn đề cần giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất;
- Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật có nhiều ý kiến khác nhau;
- Việc giải quyết vụ án liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm quy định tại Khoản 1 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Trường hợp những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án dân sự cùng thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.
Dịch vụ Luật sư Dân sự của Luật Trường Minh Ngọc
>>> Xem thêm: Trong vụ án dân sự, trường hợp nào Tòa án chấp nhận việc đương sự bổ sung yêu cầu khởi kiện?
>>> Xem thêm: Người bị kiện được phát hiện đã chết trước thời điểm khởi kiện thì Toà án giải quyết như thế nào?
Trên đây là những chia sẻ của Luật Trường Minh Ngọc về vấn đề “Từ 01/7/2025, thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh được quy định ra sao?”. Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không phải là ý kiến tư vấn để giải quyết một vụ việc cụ thể. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, vui lòng liên hệ cho chúng tôi:
Liên hệ qua Hotline:
- Hotline 1: 093 694 1658 (zalo)
- Hotline 2: 0939 593 486 (zalo)
Liên hệ qua Facebook: Luật Trường Minh Ngọc - Luật sư của bạn
Liên hệ trực tiếp tại văn phòng: Tầng 3, 68 – 70 Hoàng Diệu, Phường 13, Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh
Liên hệ qua email: infotruongminhngoc@gmail.com
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: infotruongminhngoc@gmail.com